Quy trình trồng sầu riêng VietGAP
Quy trình trồng sầu riêng VietGAP đang được nhiều nhà vườn quan tâm. Bởi sầu riêng là loại quả rất được ưa chuộng tại thị trường trong và ngoài nước. Nếu sầu riêng được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả kinh tế vô cùng lớn.
Khu vực trồng sầu riêng trọng điểm
Ở nước ta, trước đây, sầu riêng chỉ được trồng ở một số khu vực. Diện tích trồng sầu riêng còn nhỏ lẻ và chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quả sầu riêng được tiêu thụ ngày càng nhiều, giá bán tăng cao, người trồng sầu riêng có lãi lớn. Vì vậy. diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh. Một số khu vực trồng sầu riêng trọng điểm:
- Vùng Tây Nam Bộ: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang…
- Vùng Đông Nam Bộ: Đồng Nai, Bình Phước, Bình Phước, Tây Ninh…
- Vùng Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum…
- Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.
- Vùng Duyên hải miền Trung: Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình và Thành phố Đà Nẵng.
Tại sao nên trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP?
Quy trình trồng sầu riêng VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
Trồng sầu riêng theo chuẩn VietGAP giúp tăng năng suất và chất lượng quả. Việc áp dụng đầy đủ quy trình VietGAP vào trồng sầu riêng giúp hạn chế sâu bệnh, cây yếu, hoa kém chất lượng. Trồng sầu riêng VietGAP giúp việc tưới tiêu, chăm sóc, bón phân… được tối ưu hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian. Việc theo dõi và tỉ mỉ trong khâu chăm sóc cây, cũng như chăm sóc hoa mang lại năng suất cao cho quả. Trái sầu riêng cho cơm dày và ngọt hơn.
Áp dụng quy trình trồng sầu riêng VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp sầu riêng tiến sâu hơn vào thị trường siêu thị, trung tâm thương mại…
Không chỉ vậy, việc sản xuất sầu riêng chuẩn VietGAP giúp cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hướng đến xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Việc cung cấp mã số vùng trồng là điều kiện cơ bản để sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng như một số nước khác.
Quy trình trồng sầu riêng chuẩn VietGAP
VietGAP nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tại Việt Nam. VietGAP bao gồm các nguyên tắc, trình tự, thủ tục nhằm hướng dẫn các cá nhân, tổ chức sản xuất, thu hoạch và sơ chế sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng.
Bên cạnh khí hậu, quy trình sản xuất là yếu tố quan trọng quyết định nên chất lượng và giá trị của quả sầu riêng. Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP là một bước tiến giúp nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam nói chung và sầu riêng nói riêng.
Lựa chọn khu vực sản xuất
-
Yêu cầu về sinh thái
- Nhiệt độ: Sầu riêng là cây ăn quả nhiệt đới nên có thể phát triển ở nhiệt độ 24-30 độ C. Dưới 13 độ C có thể làm cây rụng lá, sinh trưởng chậm. Kéo dài trong nhiệt độ này, cây sẽ chết.
- Nước và lượng mưa: Sầu riêng là loại cây không ưa nước mặn. Cây chỉ chịu được nước có nồng độ mặn dưới 1‰. Sầu riêng có thể sinh trưởng ở nơi có lượng mưa từ 1600-4000mm/năm. Nhưng lượng mưa tốt nhất là 2000mm/năm. Trong năm, sầu riêng cần khoảng 2 tháng trở lên không mưa để ra hoa tự nhiên thuận lợi.
- Ánh sáng: Khi cây còn nhỏ, cần che mát và giảm lượng ánh sáng từ 30-40%. Khi lớn, cây sẽ tự che mát cho nhau và cần đủ ánh sáng để phát triển.
- Gió: Sầu riêng thích hợp gió nhẹ, không chịu được gió mạnh hay gió bão. Nên tránh trồng sầu riêng ở nơi có gió mạnh, điều kiện khô nóng.
-
Vùng trồng và đất trồng
- Chọn vùng sản xuất đảm bảo điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp để cây sầu sinh trưởng, phát triển tốt. Sầu riêng là cây ăn quả nhiệt đới, không chịu được lạnh nên chỉ thích hợp trồng ở vùng thấp như vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến độ cao 1000m.
- Đất trồng: sầu riêng có thể sinh trưởng và phát triển ở nhiều loại đất khác nhau. Đất trồng sầu riêng cần có tầng canh tác sâu, không quá nhiều sét, khả năng thoát nước tốt, không bị ngập úng. Độ pH đất thích hợp từ 5,5 đến 6,5.
- Lưu ý: cây sầu riêng chịu mặn và chịu hạn kém.
Thiết kế vườn trồng
Ở những vùng thấp như Đồng bằng Sông Cửu Long: đào mương lên liếp để tăng độ dày tầng canh tác. Tăng diện tích chứa nước để tưới cây, thoát nước và cung cấp nước khi cần thiết. Thông thường mương thường rộng 1,5-2m, sâu 1-1,2m; liếp rộng 5-6m với hàng đơn và 7-8m với hàng đôi.
Với vùng đất cao như Đông Nam Bộ và Tây Nguyên: chọn nơi có nguồn nước suối hoặc nước ngầm để tưới cho cây vào mùa nắng. Vùng cao lên mô thấp, đường kính từ 70-80cm, cao 30-40cm, bón lót cho hố đất. Hố trồng cần được chuẩn bị trước từ 2 đến 4 tuần.
Bờ bao và cống bọng: Tùy diện tích từng vườn mà có một hay nhiều cống. Đây là đầu mối thoát nước. Cống nên đặt ở bờ bao, đối diện với nguồn nước chính để lấy nước và thoát nước nhanh chóng. Đồng thời, nên đặt 2 cống cho nước vào và ra riêng để nước trong mương được lưu thông.
Trồng cây chắn gió: Nếu vườn có diện tích lớn thì chia thành từng lô nhỏ và chọn cây có độ cao hợp lý, khó đổ, chắc gỗ để trồng quanh vườn, quanh đường phân lô để chắn gió. Không chọn cây là ký chủ của các loài sâu bệnh hại cho sầu riêng.
Mật độ và khoảng cách trồng: Khoảng cách trồng là 6x6m đến 8x8m với những khu vực thấp, 10x10m đối với vùng cao hơn. Tùy thuộc vào vùng đất mà khoảng cách này thưa hay hẹp. Khi trồng mật độ cao, cần áp dụng các kỹ thuật hạ thấp chiều cao, tỉa cành thu hẹp tán cây và các biện pháp phù hợp khác để đảm bảo vườn cây thông thoáng.
Giống trồng
Một số giống cây sầu riêng được trồng phổ biến ở nước ta hiện nay: DONA (Monthong), Ri6, Cơm vàng sữa hạt lép. Đây là những giống sầu riêng cho năng suất cao và chất lượng quả đều. Vậy nên lựa chọn giống sầu riêng như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất:
- Nhân giống: Không được trồng sầu riêng bằng hạt. Nên trồng sầu riêng được nhân giống vô tính (cây ghép mắt hoặc ghép cành) từ cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng được công nhận.
- Tiêu chuẩn giống cây tốt:
-
- Gốc ghép phải thẳng, đường kính gốc ghép 1-1,5cm. Bộ rễ phát triển tốt.
- Thân, lá, cành: thân thẳng và vững chắc, từ 3 cành cấp 1 trở lên. Các lá ngọn đã trưởng thành xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống. Chiều cao cây giống (tính từ mặt giá thể bầu ươm đến đỉnh chồi) từ 80cm trở lên.
- Độ thuần và tuổi xuất vườn: cây sản xuất phải đúng giống như tên gọi ghi trên nhãn hiệu. Cây giống phải đang sinh trưởng khỏe, không mang các loại dịch hại chính như bệnh thán thư, bệnh Phytophthora, rầy phấn…
Kỹ thuật trồng cây sầu riêng chuẩn VietGAP
Sầu riêng trồng đúng kỹ thuật VietGAP sẽ cho ra sản phẩm đạt chuẩn chất lượng. Từ đó nâng cao giá trị của quả sầu riêng, mở rộng cơ hội cạnh tranh và xuất khẩu.
-
Chuẩn bị đất trồng
Tiến hành đắp mô trên liếp, mô đất có thể có kích thước mặt mô: 0,7-0,8m, đáy mô: 1-1,2m, chiều cao mô: ≥0,5m (hằng năm đắp mô rộng theo tán cây). Vật liệu đắp mô theo tỷ lệ ¼ phần phân chuồng ủ hoai cộng thêm ¾ phần đất màu mỡ.
Đối với những vùng đất cao (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên) sầu riêng được trồng ngang mặt đất. Tuy nhiên, đất phải được đánh rãnh xung quanh gốc để dễ tưới tiêu và thoát nước vào mùa mưa. Chuẩn bị mô trước ngày trồng 15-20 ngày.
Trước khi trồng, đào hố trên mô đã đắp với kích thước 0,3×0,3×0,3m, trộn lớp đất vừa đào với 50-100g phân NPK (20-20-15 hoặc 15-15-15,…) với thuốc sát trùng theo khuyến cáo để bảo vệ bộ rễ tơ.
-
Cách trồng cây sầu riêng
Cắt bỏ đáy vật liệu làm bầu đất, đặt cây vào hố trồng và lấp đất vừa ngang mặt bầu cây con. Chú ý không lấp đất cao hơn mặt bầu, không làm tổn thương cây con.
Cắm cọc giữ cây khỏi đổ ngã và che bóng cho cây con, không che quá 50% ánh sáng mặt trời đến với cây.
-
Thời vụ trồng
Tùy theo từng điều kiện cụ thể mà quyết định từng thời vụ trồng khác nhau. Nhưng thường cây sầu riêng được trồng vào đầu mùa mưa để giảm chi phí tưới tiêu cho vườn cây.
Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng
-
Quản lý phân bón và hóa chất bổ sung
Phân bón và chất bổ sung phải được phép lưu hành tại Việt Nam. Nếu sử dụng phân gia súc, gia cầm làm phân bón thì phải ủ hoai mục và kiểm soát hàm lượng kim loại nặng theo quy định.
Cần sử dụng phân bón theo nhu cầu của cây sầu riêng.
Phân bón và chất bổ sung phải giữ nguyên trong bao bì. Nếu đổi sang bao bì, vật chứa khác, phải ghi rõ và đầy đủ thông tin như bao bì ban đầu.
Một số loại phân bón và chất bổ sung như: Amoni nitrat, nitrat kali, vôi sống phải được bảo quản tránh nguy cơ gây cháy, nổ, làm tăng nhiệt độ.
-
Kỹ thuật bón phân và hóa chất bổ sung
Thời kỳ kiến thiết cơ bản (từ lúc trồng đến lúc ra hoa, kết quả) sử dụng các loại phân như:
-
- Phân hữu cơ: liều lượng 10-30kg phân chuồng hoai mục (hoặc 3-5kg hữu cơ vi sinh) /cây/năm, với định kỳ 1 lần/năm. Liều lượng phân chuồng năm thứ nhất và thứ 2 khoảng 10-20kg/cây và đến năm thứ 4 là 25-30kg/cây
- Phân vô cơ: sử dụng phân đơn (ure, lân, kali) hoặc phân NPK để bón cho cây giai đoạn này.
- Vôi: khoảng 0,5-1kg/cây vào đầu mùa mưa. Nếu đất có pH > 6,5 thì không bón thêm vôi.
- Đối với cây sầu riêng 5-6 tuổi – giai đoạn kinh doanh thì liều lượng phân NPK sẽ tăng dần 20-30% mỗi năm.
Sau khi cây ra tược non đầu tiên mới tiến hành bón phân. Lượng phân chia nhỏ nhiều lần, năm đầu tiên nên bón 6-9 lần/năm. Phân bón có thể pha với nước hoặc xới nhẹ xung quanh gốc để bón và tưới nước.
Thời điểm kinh doanh:
-
- Phân hữu cơ: phân chuồng ủ hoai (phân gà) được khuyến cáo bón sau thu hoạch từ 20-30kg/cây hoặc phân hữu cơ chế biến với liều lượng 4kg /cây/lần bón vào các thời điểm sau thu hoạch. Trước ra hoa và đậu quả.
- Phân vô cơ: Có thể sử dụng phân đơn hoặc phân bón chuyên dùng cho cây ăn quả phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn ra hoa, đậu quả, quả phát triển và trước thu hoạch.
Khi cây 5-6 năm tuổi thường có đường kính tán từ 6-7m trở lên, cây đang phát triển bình thường có thể bón phân 900g N – 700g P2O5 – 950g K2O.
-
Kỹ thuật tưới nước
Giai đoạn cây non cần tưới nước để giảm tỷ lệ cây chết, giúp cây khỏe. Giai đoạn cây ra hoa cần tưới nước cách ngày để đảm bảo hạt phấn khỏe. Sau khi đậu quả thì tiếp tục tiến hành tưới tăng dần nước bình thường trở lại để giúp quả phát triển.
Tiến hành tủ gốc giữ ẩm và trồng xen để bảo vệ cây.
-
Kỹ thuật tỉa cành, tạo tán
Tiến hành tỉa các cành mọc từ gốc ghép, các cành mọc thấp, mọc đứng, sao cho chỉ để lại một thân mọc đứng với các cành mọc ngang đều về các hướng.
Sau thu hoạch, định kỳ 2 tháng/lần, tỉa các cành mọc vượt, cành yếu, cành sâu bệnh, cành kiệt sức vì mang nhiều quả, cành mọc xen, mọc dày, cành đan giữa hai cây.
-
Các bước chăm sóc khác
Tỉa hoa, tỉa quả: cây sầu riêng thường ra nhiều đợt hoa, chỉ nên giữ lại và tỉa thưa hoa của 1 đợt, tỉa bỏ hoa của các đợt khác. Tiến hành tỉa quả nếu quả mọc dày, những quả ở giai đoạn phát triển mà phát triển không bình thường, những quả có hình dạng không đặc trưng của giống.
Sầu riêng đang là loại quả mang lại giá trị cao. Sản lượng sầu riêng xuất khẩu ngày càng tăng trưởng vượt trội. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của quy trình trồng sâu riêng VietGAP. VietGAP giúp tối ưu quy trình trồng, chăm sóc và chế biến, mang lại sản phẩm chất lượng, tiến sâu vào các siêu thị, trung tâm thương mại và tiếp cận với thị trường quốc tế. Vì vậy, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nên hướng đến nhân rộng mô hình trồng sầu riêng để ngày càng nâng cao giá trị trái sầu.